Tổng quan thực hiện dự án VnSAT tại Lâm Đồng
1. Giới thiệu chung
1.1. Các văn bản pháp lý
Ngày 08/5/2014 Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng ban hành Quyết định số 675/QĐ-SNN về Thành lập Tổ chuẩn bị dự án VnSAT Lâm Đồng; Tổ chuẩn bị dự án đã phối hợp với các đơn vị Trung ương và địa phương để xây dựng Đề xuất dự án đầu tư của tỉnh trình Bộ NN&PTNT.
Tháng 5/2015 Dự án đã được Thủ tướng chính phủ ký Quyết định phê duyệt danh mục dự án số 625/QĐ-TTg ngày 13/5/2015.
Ngày 17/7/2015, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định số 1515/QĐ-UBND V/v Thành lập Ban Chỉ đạo dự án VnSAT;
Ngày 23/7/2015 Sở Nông nghiệp & PTNT đã ban hành Quyết định số 830/QĐ-SNN V/v Thành lập Ban QLDA VnSAT.
Ngày 04/12/2015 UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định số 2614/QĐ-UBND V/v phê duyệt kế hoạch tổng thể Dự án VnSAT tỉnh Lâm Đồng giai đoạn 2015-2020.
1.2. Phạm vi thực hiện dự án
Dự án được triển khai tại 8 huyện trọng điểm trồng cà phê của tỉnh: Lâm Hà, Di Linh, Bảo Lâm, Bảo Lộc, Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng và Đam Rông. Diện tích cà phê tham gia dự án khoảng 16.000 ha và 14.700 hộ nông dân.
1.3. Thời gian thực hiện dự án
Thời gian thực hiện dự án: 2015 - 2020.
1.4. Đối tượng tham gia
Nông dân sản xuất cà phê tại các huyện/thành phố trong vùng dự án, các hợp tác xã, tổ nhóm nông dân; các chủ vườn ươm giống cà phê tư nhân và các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp.
1.5. Vốn dự án
Tổng vốn của dự án phân cho tỉnh: 9,178 triệu USD, tương đương 197,3 tỷ đồng. Trong đó: Vốn IDA: 5,777 triệu USD, tương đương 124,2 tỷ đồng; vốn đối ứng: 1,663 triệu USD, tương đương 35,8 tỷ đồng; vốn Tư nhân: 1,738 triệu USD, tương đương 37,4 tỷ đồng.
2. Giới thiệu các hợp phần của dự án triển khai tỉnh Lâm Đồng
2.1 Hợp phần C - Phát triển cà phê bền vững
Tổng vốn: 8,536 triệu USD, trong đó vốn IDA: 5,387 triệu USD, vốn đối ứng 1,411 triệu USD, vốn tư nhân 1,738 triệu USD.
a) Mục tiêu chung
Tăng thu nhập cho nông dân và giảm tác động tiêu cực tới môi trường thông qua việc áp dụng các biện pháp canh tác bền vững. Dự án hỗ trợ: (i) đào tạo kỹ thuật cho nông dân canh tác bền vững; (ii) cải thiện các dịch vụ để giúp nông dân tái canh cà phê bền vững, hiệu quả cao; (iii) cải thiện chất lượng dịch vụ công để hỗ trợ kỹ thuật và công nghệ hiệu quả; (iv) cung cấp tín dụng cho tái canh cà phê.
b) Mục tiêu cụ thể
- Tối thiểu 16.000 ha cà phê của khoảng 14.700 hộ nông dân canh tác bền vững, áp dụng công nghệ tiên tiến, lợi nhuận tăng thêm khoảng 15 triệu đồng/ha. Tổng giá trị tăng thêm cho toàn vùng khoảng 240 tỷ đồng/năm.
- Khoảng 20 Tổ/nhóm nông dân được thành lập và củng cố tạo mối liên kết trong sản xuất cà phê.
- Khoảng 40.000 lượt nông dân được đào tạo kỹ thuật sản xuất cà phê bền vững, tái canh bền vững , công nghệ tưới tiết kiệm,...
- Thực hiện 10 - 12 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu trong khu vực sản xuất của Tổ/nhóm nông dân; Giảm thời gian vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ gần nhất (khoảng 20%). Giảm tổn thất sau thu hoạch do điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị yếu kém (khoảng 50%). Số lượng người hưởng lợi (các hộ sản xuất nhỏ) từ các CSHT do dự án tài trợ (khoảng 10 - 15.000 người).
- Đầu tư nâng cấp 01 vườn giống đầu dòng và 01 vườn ươm giống của nhà nước. Hỗ trợ nâng cấp 05 vườn đầu dòng và 10 - 15 vườn ươm giống cà phê của tư nhân; mỗi năm cung cấp 5 triệu cây giống và trên 1 triệu chồi giống.
- Xây dựng khoảng 100 mô hình sản xuất bền vững với diện tích 100 ha, 48 mô hình tái canh cà phê diện tích 48 ha và khoảng 80 mô hình tưới tiết kiệm nước cho cà phê trong vùng dự án.
2.2 Hợp phần D - Quản lý dự án
Tổng vốn: 642 ngàn USD, trong đó vốn IDA: 390 ngàn USD, vốn đối ứng 252 ngàn USD.
a) Mục tiêu
Nhằm tổ chức, theo dõi, quản lý và kiểm tra giám sát các hoạt động của dự án đảm bảo đạt mục tiêu và chất lượng.
b) Hoạt động chính
Dự án sẽ cấp kinh phí cần thiết để đảm bảo việc thực hiện dự án hiệu quả tại tỉnh. Các hoạt động gồm: (i) Cung cấp đào tạo tập huấn, trang thiết bị, phương tiện cần thiết và chi phí vận hành cho Ban QLDA tỉnh để đảm bảo dự án được triển khai theo đúng tiến độ, chất lượng cao, theo đúng hướng dẫn của Sổ tay hoạt động dự án, bao gồm chính sách an toàn, mua sắm, quản lý tài chính và kiểm toán, báo cáo và giám sát. (ii) Dự án sẽ cung cấp tập huấn, trang thiết bị cần thiết và chi phí vận hành để xây dựng một hệ thống giám sát và đánh giá cho dự án dựa trên công cụ giám sát thống nhất (AMT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Các hoạt động chính của dự án VnSAT triển khai tại Lâm Đồng giai đoạn 2016 - 2020.
- Tăng cường năng lực cho nông dân về các biện pháp canh tác và quản lý bền vững cà phê, tái canh cà phê thông qua việc đào tạo, tập huấn, thực hiện các mô hình trình diễn; Dự kiến thực hiện khoảng 15 khóa đào tạo TOT, 402 khóa FFS về sản xuất bền vững, 197 khóa FFS về tái canh bền vững, 101 điểm sản xuất bền vững và 48 điểm tái canh bền vững.
- Xây dựng mô hình và chuyển giao công nghệ tưới tiết kiệm nước cho cà phê mang lại hiệu quả kinh tế cao; Dự kiến thực hiện khoảng 80 mô hình, 20 ngàn USD/mô hình. Quy mô 1 - 2 mô hình/100 ha.
- Xây dựng và nâng cấp CSHT công phục vụ sản xuất cho HTX/TCND; Dự án thực hiện khoảng 10 - 15 công trình đường GTNT, dự toán khoảng 3 - 4 tỷ đồng/công trình.
- Kêu gọi thành lập, củng cố hoạt động của các Tổ/nhóm nông dân sản xuất, tái canh cà phê bền vững; Dự kiến sẽ thành lập khoảng 21 tổ/nhóm ND tại các xã vùng dự án, mỗi xã thành lập 01 TCND (có tiêu chí cụ thể của dự án). Hằng năm tổ chức các cuộc họp nhóm nông dân (bao gồm cả giám sát cộng đồng) để thảo luận về kế hoạch tổ chức, quản lý, thực hiện nhóm ND. Tổ chức khoảng 14 khóa đào tạo nâng cao năng lực cho người đứng đầu các nhóm.
Hỗ trợ trang thiết bị sơ chế thiết yếu quy mô nhỏ cho tổ chức nông dân như sân phơi, nhà kho, máy sấy, máy sơ chế,...góp phần giảm tổn thất sau thu hoạch. Dự án thực hiện 27 sân phơi, 53 nhà kho, 27 máy sấy và 53 máy sơ chế. Dự án tài trợ tối đa 60% cho hàng hóa, thiết bị (Máy sấy, máy sơ chế) và tối đa 80% cho xây lắp (sân phơi, nhà kho).
Các hoạt động nâng cao năng lực cho TCND, HTX thông qua các nội dung như: (i) Tổ chức 06 khóa đào tạo về tổ chức và quản lý HTX, (ii) 06 khóa tập huấn kỹ thuật cho các kỹ thuật viên HTX và (iii) Hỗ trợ trang thiết bị văn phòng cần thiết cho HTX, TCND (máy vi tính, máy in, bàn ghế,...với kinh phí khoảng 80 ngàn USD, dự án hỗ trợ tối đa 60%, nhóm ND đối ứng 40%).
- Hỗ trợ đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, hạ tầng cho vườn ươm giống của nhà nước và khoảng 13 - 15 vườn ươm của tư nhân nhằm tăng cường năng lực sản xuất giống cây cà phê chất lượng tốt phục vụ cho tái canh cà phê thông qua các hoạt động gồm: (i) Hỗ trợ nâng cấp các vườn giống đầu dòng và vườn ươm giống (gồm xây lắp, hàng hóa thiết bị, vật tư,...), (ii) Tập huấn về kỹ thuật nhân giống cà phê cho cán bộ chuyên môn của nhà nước và cán bộ kỹ thuật của vườn ươm tư nhân và (iii) Các hoạt động chứng nhận vườn ươm và giám sát chất lượng nhân giống.
Dự án tài trợ 100% kinh phí đầu tư nâng cấp vườn sản xuất giống đầu dòng và vườn ươm giống của trung tâm giống thuộc tỉnh và tài trợ một phần kinh phí (tối đa 60%) để nâng cấp khoảng 5 vườn giống và 15 vườn ươm tư nhân.
- Hoạt động giám sát và quản lý bệnh trên cây cà phê tại các huyện trong vùng dự án: PPMU ký kết hợp đồng trách nhiệm với chi cục BVTV tỉnh thực hiện chương trình giám sát và quản lý bệnh hằng năm, trong đó bao gồm các hoạt động thu thập mẫu bệnh, mẫu đất đi phân tích và các hoạt động tập huấn, hội thảo khuyến cáo, truyền thông. Kinh phí: 35 ngàn USD/5 năm.
- Hoạt động phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng cho nông dân trong vùng dự án: PPMU ký kết hợp đồng trách nhiệm với đơn vị chuyên môn thực hiện nội dung này, bao gồm các hoạt động khảo sát, thu thập mẫu đất đi phân tích sau đó khuyến cáo cho vùng sản xuất thông tin kết quả phân tích đất và chế độ dinh dưỡng cần thiết cho cây cà phê. Kinh phí 45 ngàn USD/5 năm
- Hoạt động giám sát và đánh giá sự đa dạng đối với cà phê: PPMU ký kết hợp đồng trách nhiệm với đơn vị chuyên môn thực hiện nội dung này, bao gồm các hoạt động điều tra, khảo sát, đánh giá khu vực ít thích nghi với cây cà phê và phân tích, đánh giá sự phù hợp với một số cây trồng khác, thực hiện các mô hình đa dạng hóa cây trồng, tập huấn, đào tạo và tư vấn cho người nông dân để họ chuyển đổi cơ cấu cây trồng hoặc áp dụng mô hình sản xuất hiệu quả hơn, kết hợp với việc thông tin tuyên truyền kết quả thực hiện mô hình này cho người dân biết và áp dụng lan tỏa.
- Cập nhật quy hoạch phát triển cà phê bền vững và tái canh cà phê. PPMU sẽ tuyển 1 đơn vị tư vấn theo hình thức CQS - Tuyển chọn trên cơ sở năng lực đơn vị tư vấn để thực hiện nội dung này dưới sự hỗ trợ chuyên môn của Sở Nông nghiệp & PTNT.
- Giám sát việc thực hiện chương trình tín dụng cho tái canh cà phê. PPMU sẽ phối hợp với Ngân hàng BIDV và ngân hàng thương mại ở tỉnh/huyện để tham gia nội dung này.
4. Tổ chức thực hiện dự án VnSAT tại tỉnh
- UBND tỉnh Lâm Đồng là cơ quan chủ quản dự án tại tỉnh.
- Sở Nông nghiệp & PTNT Lâm Đồng là chủ dự án
- Đơn vị thực hiện dự án: Ban QLDA VnSAT trực thuộc Sở NN&PTNT.